Chất Nhuộm Độc Hại Có Trong Một Loại Thuốc Đông Y

Chất nhuộm màu Rhodamine B bị cấm sử dụng vì nghi ngờ có thể gây ung thư được phát hiện trong nhiều mẫu chi tử (một vị thuốc Đông y khá phổ biến), theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương.

Trong 57 mẫu chi tử được Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương lấy (từ tháng 7 đến tháng 10/2009) thì 25 mẫu có chứa chất độc hại bị cấm Rhodamine B. Các mẫu được lấy tại nhiều cửa hàng thuốc đông y trên địa bàn Hà Nội như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp (Gia Lâm)…

Rhodamine B là chất hữu cơ không thuộc danh mục các chất phụ gia hay phẩm màu được phép dùng trong y tế. Đây là chất nhuộm màu phát quang dùng trong phân tích phát hiện vi khuẩn và một số phân tích sinh hóa. Thực nghiệm trên động vật đã có bằng chứng là chất gây ung thư.

Chi tử tự nhiên có màu vàng nâu đất bên trái. Còn Chi tử nhuộm Rhodamine B bên phải có màu nâu đỏ sẫm hơn. 

Tiến sĩ Phạm Thị Giảng, Trưởng khoa Đông Dược, thuộc Viện, cho biết: “Có thể người kinh doanh nhuộm Rhodamine B để chi tử có màu đẹp hơn hoặc lợi dụng tính phát quang của chất này để ngăn chặn côn trùng, mối mọt”.

Chi tử bị nhuộm màu thường có màu đỏ sẫm, còn chi tử nguyên chất có màu vàng nâu nhạt. Chi tử là vị thuốc có tác dụng chữa thanh nhiệt, tá hỏa, lợi tiểu tiện, cầm máu. Ngoài ra, chi tử còn được dùng để làm màu nhuộm thức ăn, lên màu rất đẹp.

Trước đó, vì có thông tin trên thị trường cho rằng chi tử có vết Rhodamine B là chất độc hại, Cục quản lý Dược và Vụ Y học cổ truyền đã yêu cầu Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện kiểm nghiệm thuốc TP HCM và 62 trung tâm kiểm nghiệm ở các địa phương lấy các mẫu chi tử để kiểm nghiệm. Thanh tra Bộ Y tế cũng đã lấy mẫu chi tử trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa và thời gian tới vẫn tiếp tục kiểm tra.

Nam Phương

Leave Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *